Nang và ápxe tuyến Bartholin

Có hai tuyến rất nhỏ, kích thước bình thường khoảng 0,5cm tương đương hạt đậu, cấu tạo bởi tế bào trụ tiết nhầy. Bình thường, chức năng sinh lý của hai tuyến này vẫn chưa được hiểu rõ, người ta chỉ nhận thấy chức năng của nó đối với hệ sinh sản nữ giới: tiết ra dịch nhờn, giúp duy trì độ ẩm của bề mặt tiền đình và niêm mạc âm đạo.

Nang tuyến Bartholin hình thành là một túi chứa đầy chất dịch tăng lên ở một hoặc hai tuyến do tắc nghẽn ống tuyến, trong khi tuyến vẫn tiếp tục tiết ra chất nhầy hoặc ở các ống dẫn; khi các ống dẫn dẫn lưu dịch từ các tuyến về bị tắc nghẽn, hình thành một nang có thành mỏng. Ápxe tuyến Bartholin hình thành do nang tuyến Bartholin bị nhiễm trùng hoặc bản thân tuyến Bartholin bị viêm nhiễm, ápxe nếu không được điều trị kịp thời có thể vỡ gây nhiễm khuẩn âm hộ hoặc âm đạo. Đôi khi, nang tuyến Bartholin còn do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, Chlamydia hoặc do liên cầu tụ; bệnh cũng có thể gặp trong trường hợp cắt tầng sinh môn.

Nang và ápxe tuyến Bartholin

Tỉ lệ

Nang hoặc ápxe tuyến Bartholin được biết thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 20 - 30 tuổi. Nếu phát hiện tuyến Bartholin sưng to ở những phụ nữ trên 40, cần phải sinh thiết để loại trừ adenocarcinoma tuyến Bartholin (tỉ lệ khoảng 1 - 2% trong tất cả các khối u ác tính vùng âm hộ). Một nghiên cứu lớn của Pundir cùng cộng sự (2008) nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nang và ápxe tuyến Bartholin xảy ra khoảng 2% trong tổng số lần khám phụ khoa mỗi năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các ổ ápxe thường đa vi trùng hoặc hiếm khi do các mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là lậu cầu và tụ cầu. Trong một nghiên cứu hồi cứu của Kessous cùng cộng sự (2013), một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân ápxe tuyến Bartholin đã cấy dương tính với E. coli là vi khuẩn gây bệnh đơn phổ biến nhất (43,7%) và 10 trường hợp (7,9%) là đa vi trùng.Trường hợp cấy dương liên quan đáng kể với sốt, tăng bạch cầu đa nhân và bạch cầu trung tính. Nhiễm E. coli là đáng kể phổ biến hơn trong nhiễm trùng thứ phát so với bệnh nhiễm trùng nguyên phát (56,8% so với 37%).

Chẩn đoán

Cả hai thường được phân biệt dựa vào lâm sàng. Trong khi nang tuyến Bartholin thường do bị tắc nghẽn dịch từ các ống dẫn hoặc thứ phát sau quá trình viêm không đặc hiệu hoặc do chấn thương, nang có thể dễ dàng chẩn đoán khi khám phát hiện thấy vùng môi bé có khối kích thước 1 - 5cm và thường không có triệu chứng; mặc dù có một số nghiên cứu cho thấy khi u có kích thước lớn hơn 5cm thường gây đau sau giao hợp. Còn ápxe tuyến Bartholin thường do quá trình nhiễm trùng cấp, nên bệnh nhân thường phàn nàn về triệu chứng đau âm hộ cấp tính; khi thăm khám, ta thường phát hiện khối u to biểu hiện viêm cấp. Chúng ta có thể chẩn đoán ápxe tuyến Bartholin qua các triệu chứng sau:

- Sưng hoặc đau cấp tính vùng môi bé một hoặc cả hai bên.

- Đau khi giao hợp.

- Đau khi đi bộ hoặc khi ngồi.

- Đau đột ngột giảm đi sau khi chảy dịch (gợi ý vỡ nang).

- Bệnh nhân có sốt kèm theo hoặc không.

- Khám vùng âm hộ có khối nang lớn > 1cm, sờ chạm làm bệnh nhân đau thốn, đôi khi khám còn phát hiện dịch bên trong nang hóa mủ.

Nang và ápxe tuyến BartholinKỹ thuật khâu viền miệng túi

Những quan điểm điều trị

Không can thiệp:

Mặc dù điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm không được chỉ định rộng rãi, nhưng nó hữu dụng với những trường hợp bệnh nhân có ápxe đã có kết quả cấy dương tính. Mặc khác, một số tác giả khuyến cáo việc sử dụng kháng sinh nên kết hợp với các kỹ thuật cắt bỏ hoặc bảo tồn tuyến Bartholin và thường được dùng sau khi làm thủ thuật chứ không phải đơn trình trị liệu. Kháng sinh được khuyến cáo sử dụng là kháng sinh diệt khuẩn phổ rộng bao gồm: ceftriaxone, ciprofloxacin, doxycycline, azithromycin hoặc kháng sinh theo kết quả cấy kháng sinh đồ.

Có can thiệp:

Có nhiều kỹ thuật khác nhau trong điều trị nang và ápxe tuyến Bartholin, nhưng vẫn chưa có chứng minh ưu thế thuộc về phẫu thuật triệt để là cắt bỏ tuyến Bartholin hay bảo tồn. Hai phương pháp được khuyến cáo bởi các hiệp hội trên thế giới hiện nay là sử dụng ống thông Word (nếu không có sẵn có thể sử dụng ống thông Foley số 10 thay thế) tạo lỗ rò và khâu viền miệng túi (marsupialization).

Sử dụng ống thông Word tạo lỗ rò:

Chỉ định cho tất cả các trường hợp nang tuyến Bartholin có đường kính 1cm hay lớn hơn 1cm hoặc có triệu chứng (đau, thốn, gây trở ngại cho hoạt động thể chất hoặc tình dục) và/ hoặc bất kỳ ápxe tuyến Bartholin. Không có chống chỉ định tuyệt đối cho phương pháp tạo lỗ rò bằng ống thông. Chống chỉ định tương đối là những nang hoặc ápxe phức tạp tái phát nhiều lần, cần phải gây mê toàn thân tại phòng mổ. Ống thông Word dài 2,5cm, có bóng hơi cố định với 3mL dung dịch nước muối sinh lý. Đường rạch để đặt ống thông nên ở mặt trong của nang khoảng 5mm để tránh ống thông rơi ra ngoài, phần ống dư ra ngoài được đặt vào trong âm đạo. Ống thông được lưu lại trong một khoảng thời gian, thường là 4 tuần để quá trình biểu mô hóa tạo là một lỗ rò nhỏ ở giữa khoang u nang và tiền đình, hạn chế bệnh tái phát.

Khâu viền miệng túi:

Đây là kỹ thuật mở một đường rạch 1,5 - 3cm (tùy thuộc vào kích thước nang) dọc ngay trung tâm nang hoặc ápxe qua lớp niêm mạc, sau đó khâu viền xung quanh đường mở bằng chỉ Polysorb hoặc Vicryl, tạo ra một khoảng trống như miệng thông túi về sau để cho dịch thoát ra ngoài, có thể kết hợp bóc tách nang hoặc không. Kỹ thuật này được thực hiện phức tạp hơn so với ống thông Word thường dành cho các nang hoặc ápxe tái phát.

Cả hai phương pháp trên đều có những biến chứng tương tự nhau như: tái phát (2 - 25%), nhiễm trùng (2%), chảy máu (0,5 - 5%), đau (0 - 3%).

Reif P cùng cộng sự (2015) nghiên cứu trên 30 phụ nữ Áo, so sánh giữa hai phương pháp dùng ống thông Word và khâu viền miệng túi, ghi nhận tỉ lệ thành công 87% và tỉ lệ tái phát là 3,8% ở những phụ nữ điều trị bằng ống thông Word so với khâu viền miệng túi. Đồng thời ghi nhận ống thông Word dễ sử dụng hơn và chi phí rẻ hơn 7 lần so với khâu viền miệng túi. Tuy nhiên, khoảng 90% trong số những phụ nữ được nghiên cứu phàn nàn về vấn đề khó chịu khi quan hệ tình dục do ống thông được đặt trong âm đạo. Nhìn chung, hiệu quả là tỉ lệ biến chứng và tỉ lệ tái phát là tương đương nhau giữa hai kỹ thuật này đã được báo cáo bởi Kroese cùng cộng sự (2016).

Ngoài ra, còn có các phương pháp khác bao gồm: (1) dùng bạc nitrate để đốt, (2) tạo cửa sổ tại vị trí nang hoặc ápxe sau đó dùng tia carbon dioxide (CO2) bóc tách hoặc cắt bỏ, (3) chọc hút bằng kim có hoặc không có chích xơ hóa bằng cồn, (4) phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin, (5) rạch và dẫn lưu cho thoát dịch sau đó khâu kín miệng tuyến. Wechter ME cùng cộng sự (2009) báo cáo không có tỉ lệ tái phát sau thủ thuật khâu viền miệng túi, các phương pháp khác tỉ lệ tái phát thay đổi 0 - 38%, phổ biến nhất là tái phát sau chọc hút (gần 38%). Bệnh thường khỏi sau 2 tuần điều trị.

Mặc dù không có một nghiên cứu nào chỉ ra được phương pháp tốt nhất để điều trị nang hoặc ápxe tuyến Bartholin, một số tác giả khuyến cáo sử dụng ống thông như một cách tiếp cận ban đầu. Nếu ống thông không có sẵn, rạch + dẫn lưu hoặc khâu viền miệng túi nên là bước thay thế.

Đối với thai kỳ:

Nếu phụ nữ mang thai phát hiện nang hoặc ápxe tuyến Bartholin không có triệu chứng thì chỉ cần theo dõi đến sau thời kỳ hậu sản, vì khi có thai, mạch máu tăng sinh vùng xương chậu nhiều hơn bình thường sẽ dễ gây chảy máu nếu can thiệp. Trừ những trường hợp nang quá lớn gây cản trở quá trình chuyển dạ hay nang hóa ápxe gây đau cho thai phụ hoặc vỡ khối ápxe, có thể gây tê tại chỗ để xử lý và việc sử dụng kháng sinh phổ rộng an toàn trong thai kỳ là cần thiết.

MỘT SỐ TÓM TẮT CẦN NHẤN MẠNH- Điều trị kháng sinh không được khuyến cáo hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm, trừ những trường hợp đã có kết quả cấy dương tính. Nên kết hợp kháng sinh hỗ trợ sau các thủ thuật can thiệp.- Bước tiếp cận đầu tiên với nang hoặc ápxe tuyến Bartholin là sử dụng ống thông Word; nếu không có sẵn, có thể thay thế bằng ống thông Foley 10, tạo lỗ rò với tỉ lệ tái phát vào khoảng 3,8%. Tất cả bệnh nhân cần được hướng dẫn về ngâm mình trong bồn nước nóng 2 ngày/lần sau thủ thuật và tránh giao hợp âm đạo cho đến khi ống thông được lấy ra. - Khâu viền miệng túi là bước tiếp cận thứ hai sau ống thông Word với tỉ lệ tái phát < 20%. - Nếu sau khi dùng ống thông và khâu viền miệng túi mà vẫn tái phát nhiều lần, nên nghĩ đến phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin. - Thuốc giảm đau được cho tất cả các bệnh nhân sau thủ thuật và cần kết hợp điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.- Nếu bệnh nhân là phụ nữ trên 40 tuổi, nên sinh thiết để loại trừ adenocarcinoma tuyến Bartholin.

BS. NGUYỄN THỊ THỦY

(Bệnh viện đa khoa Tây Ninh)